Chè Tân Cương (Thái Nguyên), Ô long (Phja Đén), Shan tuyết (Hà Giang)… là những vùng chè ngon nổi tiếng trong và ngoài nước.
Chè Tân Cương, Thái Nguyên
Chè Tân Cương được đăng ký chỉ dẫn địa lý từ tháng 10/2017, bao gồm xã Tân Cương và hai xã lân cận là Phúc Xuân và Phúc Trìu của Thái Nguyên.
Theo ông Trần Văn Thắng - người trồng chè lâu năm ở xóm Hồng Thái 2, vùng Tân Cương có nguồn nước tưới sạch tự nhiên chảy từ núi Tam Đảo ra hồ Núi Cốc. Bên cạnh đó, cây chè được chăm sóc theo quy trình đặc biệt, bón phân hữu cơ chất lượng hảo hạng và an toàn.
Bí quyết làm chè Tân Cương
Chè làng Bát, Tuyên Quang
Làng Bát thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang. Nơi đây có loại chè bản địa màu nước xanh trong, thơm hương hoa rừng.
Trước đây, cây chè từng bị dong riềng, củ sắn, sả… thay thế. Năm 2002, cán bộ nông nghiệp và UBND tỉnh khuyến khích bà con thôn 5, làng Bát đồng lòng bỏ sả chuyển sang trồng chè. Giống chè LDP1 được trồng theo quy trình sạch, từ 5,8ha mở rộng lên khoảng 16h. Hiện thương hiệu chè làng Bát đã có mặt trên thị trường các tỉnh Bắc.
Nương chè làng Bát. Ảnh: Bizmedia |
Chè Shan tuyết, Hà Giang
Hà Giang nằm ở độ cao 800-1.200 m so với mực nước biển, nhiều núi cao. Nhiệt độ trung bình năm 21,6-23,9 độ C tạo điều kiện thuận lợi cho cây chè sinh trưởng.
Giống chè shan tuyết cổ thụ hiện được trồng tại các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Quang Bình. Sương và mây mù quanh năm bao phủ mảnh đất Hà Giang khiến mỗi chiếc lá chè đều phủ lớp lông trắng, mịn. Cây được canh tác tự nhiên, bón phân hữu cơ và dùng thảo mộc làm thuốc trừ sâu bệnh.
Búp chè tắm đẫm sương núi cao. Ảnh: Bizmedia |
Tại Hà Giang, người dân có phong tục không hái chè vào 3 ngày cố định, ngày “Thần Sấm” 1/3, ngày “Thần Gió” 20/1 và ngày “Lợn rừng” 3/3. Hái vào những ngày này khiến chất lượng chè giảm sút.
Năm 1996, chè Shan tuyết Hà Giang được Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Hội chợ Quốc tế Hàng công nghiệp Việt Nam trao tặng bằng khen và chứng nhận an toàn thực phẩm.
Chế biến chè Shan tuyết Hà Giang
Chè hữu cơ Cao Bằng
Ngoài những cây chè cổ hoặc mọc hoang dã trong rừng hàng trăm năm, Cao Bằng mới phát triển cây chè làm kinh tế được cách đây khoảng 10 năm. Vùng trồng tập trung chủ yếu tại Phja Đén, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình.
Phja Đén sở hữu độ cao 1.200m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ, nhiều sương mù, nhiệt độ quanh năm thấp 16-22 độ C. Búp chè quanh năm ủ trong sương lạnh và nắng nhạt, cho hương vị đậm đà, sánh ngang với nhiều vùng chè ngon trên thế giới.
Nương chè nằm ở độ cao 1.200m tại trang trại Kolia, Phja Đén, Cao Bằng. Ảnh: Bizmedia |
Hiện tại, vùng nguyên liệu chè được trồng tập trung quanh trang trại Kolia, khai thác và chế biến thành các sản phẩm trà Ô long, Đông phương Mỹ nhân, trà xanh, hồng trà. Với diện tích trồng khoảng 30ha, sản lượng trên 300 tấn mỗi năm, hiện trà Phja Đén chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và xuất khẩu đi Mỹ, Anh, Canada, Đài Loan (Trung Quốc)…
Chế biến chè Đông phương Mỹ nhân tại Kolia
Chè Shan tuyết Tủa Chùa, Điện Biên
Huyện Tủa Chùa, Điện Biên nổi tiếng với giống chè Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa. Cây trồng được ví như "vàng xanh" mang đến đời sống ấm no và ổn định hơn cho đồng bào dân tộc nơi đây.
Năm 2017, Tủa Chùa ghi nhận còn khoảng 10.000 cây chè cổ, sản lượng đạt 2,5-3,5 tấn mỗi năm. Cây sinh trưởng tự nhiên, tưới nước mưa và sương ẩm quanh năm. Thân cây phủ đầy rêu, địa y; rễ cắm sâu vào lòng núi dốc. Điều kiện khắc nghiệt khiến cây ít có sâu bệnh. Người Mông tại Tủa Chùa gọi chúng là “cây bất tử”, tự tiết ra kháng chất khiến sâu bệnh không dám tấn công.
Hàng năm, từ tháng 3 đến 10 là thời điểm hái chè. Năm 2013, chè shan tuyết Tủa Chùa được Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là sản phẩm nông sản tiêu biểu, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi Trung Quốc. Giá mỗi kg chè từ 2 triệu đồng trở lên.
Chè Shan tuyết Tủa Chùa
Chè Tam Đường, Lai Châu
Mỗi dịp xuân hè, những nương chè xanh bát ngát trải dài ngút mắt tại huyện Tân Uyên và Tam Đường lại hút khách du lịch đến tham quan vãn cảnh, thưởng trà.
Ở Tam Đường, người trồng diệt cỏ và bón phân hữu cơ thủ công để tránh hại đất. Đến mùa mưa, côn trùng, sâu hại phát triển mạnh, công nhân mới được phép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn. Búp chè khi thu hái phải đảm bảo đủ thời gian cách ly và không tồn dư hóa chất khi vào tới nhà máy chế biến.
Chế biến chè Tam Đường theo quy trình
Chè suối Giàng, Yên Bái
Cây chè Suối Giàng mọc tản mát tự nhiên trong rừng, trên sườn núi. Cây sinh trưởng nhờ hơi đất, sương, lá chè dày, to bản, xanh sậm, búp mập, mặt búp nõn phủ lớp lông tơ mỏng như tuyết.
Ngày 16/2/2016, quần thể hơn 400 cây chè shan tuyết tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản. Quần thể được trồng tự nhiên ở độ cao 1.300m trên mực nước biển thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Vùng chè cổ thụ có tuổi đời 100-300 năm.
Vùng chè Suối Giàng tại Yên Bái
Chè xanh Bản Ven, Bắc Giang
Nhờ chế biến chè và cất giữ bí quyết ủ hương riêng, nước chè Yên Thế có xanh cốm, vị chát đầu lưỡi, ngọt hậu đậm đà, hương thơm nhẹ lâu, để qua đêm cũng không đổi màu.
Trước kia, chè được cất vào ống tre, ống nứa, nút chặt rồi để trên gác bếp để không bị ẩm, đồng thời lưu lại 80-90% hương thơm ngay sau khi sao. Ngày nay, nhờ máy móc hỗ trợ và các chính sách khuyến khích phát triển của địa phương, chè xanh bản Ven đã tăng dần về số lượng, dần gây dựng thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường cả nước.
Bí quyết ủ hương chè xanh Bản Ven
Chè xanh Bàu Cạn, Gia Lai
Những đồi chè trải dọc hai bên đường từ ngã ba Hàm Rồng, rẽ trái lên quốc lộ 19 đến xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông, Gia Lai). Cây chè bắt đầu xuất hiện ở vùng đất này từ những năm 20 của thế kỷ trước. Nền thổ nhưỡng bazan màu mỡ trên cao nguyên cùng khí hậu phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cây chè sinh trưởng xanh tốt quanh năm.
Hiện nay, tổng diện tích trồng chè tại huyện Chư Prông đạt hơn 1.150 ha. Chè Bàu Cạn không chỉ được tiêu thụ tại miền Trung, Tây Nguyên mà còn xuất khẩu sang Singapore, Australia, Pakistan, Afganistan…
Trồng chè xanh tại Bàu Cạn
Chè Ô long, Lâm Đồng
Theo chân những thương nhân Đài Loan (Trung Quốc), các giống chè Ô long vào đất Việt, thích nghi với khí hậu Lâm Đồng. Tính đến đầu năm 2017, toàn tỉnh có khoảng 23.000ha chuyên canh chè, trong đó có 3.000 ha trồng các giống chất lượng cao như Ô long Kim Xuyên, Long Đỉnh…
Trà Ô Long được ví như những viên ngọc xanh mang hương vị đất trời. Ngày nay, Lâm Đồng đã có nhiều mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ, liên kết 4 nhà vào sản xuất chè, tuân thủ theo quy trình khép kín để tạo ra sản phẩm chè ngon và an toàn.
Chăm sóc chè theo quy trình sạch tại Lâm Hà
Không có bình luận nào cho bài viết.
Viết bình luận